Là "anh cả đỏ" trong bảy đoàn cải lương bắc, với Nhà hát Cải lương Việt Nam thì thách thức lại càng lớn hơn, vừa phải đảm đương nhiệm vụ chính trị, vừa phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với nhiều loại hình giải trí và nhu cầu "cách tân, đổi mới" của công chúng, nhằm hòa nhịp với hơi thở của thời đại. Làm thế nào tồn tại được trong cơ chế thị trường để vừa giữ gìn, phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương dân tộc, vừa duy trì phong cách nghệ thuật của đơn vị, nâng cao đời sống của người nghệ sĩ? Đây là vấn đề không đơn giản đối với bất kỳ đoàn cải lương nào hiện nay, nhất là trong bối cảnh nhà hát không có rạp biểu diễn, nguồn vốn ít nên khó đầu tư vở diễn hoành tráng và khó tăng cường mạnh cho công tác tiếp thị, xây dựng, quảng bá thương hiệu, thiếu kịch bản hay và kịch bản dành cho sân khấu cải lương, v.v. Chính hiện thực sống động đang thay đổi từng ngày, từng giờ, đã đòi hỏi các đoàn cải lương không còn con đường nào khác là phải tự đổi mới mình. Thực tiễn lịch sử phát triển của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã cho thấy, ngay từ khi đất nước bắt đầu chuyển đổi sang cơ chế thị trường cho đến nay, Nhà hát đã mạnh dạn đổi mới mình dưới nhiều hình thức. Trong đó chú trọng xây dựng các vở diễn mang nội dung phù hợp yêu cầu phục vụ chính trị và thích hợp với nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, gắn mình với hiện thực đương đại, hòa điệu để có sức sống lâu bền trong lòng công chúng.
Về mặt hình thức, nhà hát đã tạo điều kiện cho những thử nghiệm, sáng tạo trên sân khấu và mạnh dạn, tin tưởng giao các đạo diễn trẻ dàn dựng vở diễn nhằm "thanh xuân hóa" sân khấu cải lương. Thực hiện đa dạng chương trình biểu diễn, thể hiện chủ yếu trên hai phương diện: xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp và xây dựng các vở diễn phục vụ lễ hội.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao lưu và hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới, sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng cùng nhiều hình thức giải trí với số lượng khổng lồ và tốc độ truyền đạt, nhanh chóng, đa dạng, đã khiến khán giả trẻ đứng trước nhiều sự lựa chọn và ngày càng có xu hướng xa rời các giá trị văn hóa truyền thống. Để lôi kéo và giữ chân đối tượng người xem này, Nhà hát Cải lương đã xây dựng cho mình chương trình nghệ thuật tổng hợp gồm các bài tân cổ giao duyên, dân ca và ca nhạc, xen kẽ cùng các trích đoạn, tiểu phẩm cải lương. Chúng vừa phù hợp với nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của khán giả trẻ, vừa phù hợp với khả năng của các nghệ sĩ kịch hát. Nhờ đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam dễ dàng hơn trong việc nhân rộng địa bàn hoạt động của mình, không chỉ dừng lại ở phạm vi các tỉnh thành phía bắc, mà còn vươn dài trong phạm vi cả nước. Và đối tượng khán giả trẻ của Nhà hát lúc này không chỉ là học sinh, sinh viên các trường đại học mà còn là công nhân ở các công ty, nhà máy, nông trường, lâm trường; chiến sĩ ở các đơn vị quân đội.
Mặt khác, Nhà hát Cải lương Việt Nam trong hoàn cảnh không có rạp biểu diễn, phải đi xâm nhập thị trường, tìm kiếm khán giả, nhận thấy lễ hội ở các địa phương là mảnh đất thuận lợi để nhà hát có thể "dừng chân" đến biểu diễn lâu dài. Vì vậy, nhà hát đã chủ trương xây dựng các vở diễn đáp ứng yêu cầu của nhân dân các địa phương trong thời gian diễn ra lễ hội. Các vở này, theo nhu cầu, thị hiếu của người dân địa phương, đều thuộc về thời gian quá khứ, bao gồm đề tài trong nước, nước ngoài, lịch sử, dã sử, dân gian, huyền thoại theo tích truyện xưa với những trang phục lộng lẫy, kiêu sa, rực rỡ hoặc những trang phục dân gian bình dị, đơn sơ gắn với cuộc sống chân quê, dễ hòa nhập với không khí lễ hội và lôi cuốn người dân đến thưởng thức; đồng thời luôn mang đậm tính khuyến giáo, đề cao những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp và kết thúc có hậu, phù hợp với tâm lý người Việt Nam và không khí lễ hội luôn hướng đến sự lạc quan, vui vẻ, an lành, thiện tâm.
Về công tác tổ chức biểu diễn, do đặc thù của loại hình, nên việc xã hội hóa hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Cải lương Việt Nam không thể dễ dàng như ở sân khấu kịch nói và ca múa nhạc. Tuy nhiên, Nhà hát khuyến khích tính tích cực, năng động của các thành viên Nhà hát trong việc tìm đối tác và hình thức biểu diễn để mở rộng địa bàn, từng bước làm tăng thêm nguồn thu, đồng thời để lôi kéo khán giả đến với Nhà hát và tiếp cận với sân khấu cải lương của dân tộc. Bên cạnh đó, Nhà hát đã thường xuyên cộng tác, thiết lập mối quan hệ gắn bó với các phương tiện thông tin đại chúng giới thiệu vở diễn và những tác phẩm kịch đưa vào dàn dựng.
Quá trình tự đổi mới mình nói trên của Nhà hát Cải lương Việt Nam diễn ra trong hoàn cảnh có nhiều thách thức. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không mệt mỏi, những đổi mới của Nhà hát đã đem lại hiệu quả đáng mừng. Công chúng đã tìm đến sân khấu cải lương. Số buổi biểu diễn, vở diễn ngày một nhiều hơn và phần lớn tập trung ở nội thành Hà Nội, nơi vốn khó cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật khác và thu nhập của các nghệ sĩ cũng được nâng cao hơn. Những đổi mới của Nhà hát thời gian qua đã khẳng định tinh thần dám nghĩ, dám làm của tập thể nghệ sĩ trên con đường sáng tạo, tìm ra cái mới cho mình, cho nghề, góp phần vào sự phát triển của chính Nhà hát và của nghệ thuật cải lương nói chung cũng như của nghệ thuật cải lương bắc nói riêng.
BÙI XUÂN TIẾN (Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam)