Liên hoan sân khấu (LHSK) Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc (từ 20/10 - 3/11) đã đi được hơn nửa chặng đường. Ngoài những nỗ lực trong việc kéo khán giả đến rạp thì việc mong muốn đưa cải lương đồng hành với xã hội đương đại của ban tổ chức xem ra gặp không ít khó khăn.Những điểm sáng hiếm hoi
Tiếng vạc sành (TG: Trung Dân, chuyển thể: Vũ Chí Thanh, ĐD: Phan Quốc Kiệt) của Nhà hát Trần Hữu Trang ra mắt sáng 23/10 được cả giới làm nghề và khán giả xem như “hiện tượng” đầu tiên của LHSK. Đề cập đến những bi kịch gia đình trong cơn lốc đô thị hóa, Tiếng vạc sành được dàn dựng mộc mạc, thiết kế sân khấu (SK) theo lối tả thực với chiếc cầu khỉ, bụi chuối, lu nước trước hè... đưa người xem đến với không gian yên bình của làng quê Nam bộ. Vở diễn khai thác tối đa nội lực ca diễn của từng diễn viên (DV) để chinh phục khán giả.
Cũng lấy đề tài về nông thôn nhưng Giọng hò Đồng Tháp (TG: Lê Duy Hạnh, ĐD: NSƯT Trần Minh Ngọc, NSƯT Trần Thắng Vinh) của Đoàn văn công Đồng Tháp lại có góc nhìn rất mới. Là kịch bản hiếm hoi ở LHSK có nội dung gắn với địa phương của đơn vị dự thi, sức hấp dẫn của vở không chỉ ở giọng hò ngọt ngào của những cô gái Đồng Tháp Mười mà còn là sự lồng ghép những câu chuyện về tình bạn, tình yêu mộc mạc, thủy chung của con người sông nước
miền Tây. Tất cả đã làm mềm mại hóa những vấn đề thời sự về chủ trương xây dựng nông thôn mới, đưa nông dân thoát nghèo...; giữ cho vở diễn tính nóng hổi thời sự, mà không thiếu chất trữ tình.
Biển và bờ (TG: Nguyễn Đăng Chương, ĐD: NSND Giang Mạnh Hà) của Đoàn cải lương (CL) Hải Phòng cũng là vở diễn khá chỉn chu. “Nóng” với vấn đề tham nhũng, lạm dụng chức quyền, vở diễn hút khán giả nhờ kịch tính xảy ra ngay khi mở màn và liên tục được sắp xếp hợp lý để đẩy thành cao trào. Dàn DV ca diễn tốt, bài bản, nhịp nhàng khá vững.
Bên cạnh đó, một vài vở diễn cũng để lại ấn tượng tốt cho người xem về thủ pháp dàn dựng hoặc cách khai thác đề tài như Mê cung (Nhà hát CL Việt Nam), Khi hoa nở trái mùa (Nhà hát CL Hà Nội), Một phút một thời (Đoàn CL Hương Tràm)… Tuy nhiên, xét về tổng thể, mỗi vở có một vài chi tiết chưa trọn vẹn, từ cách sắp đặt tình tiết, trang trí SK hoặc sự thiếu đồng đều của dàn DV…
[You must be registered and logged in to see this image.]Tiếng vạc sành, một trong những điểm sáng hiếm hoi của Liên hoan sân khấu Cải lương chuyên nghiệp 2012
Cải lương đang lỗi nhịp?
“Theo dõi LHSK đến giờ phút này, chúng tôi không khỏi lo lắng. Đa phần các vở diễn chưa tạo được bất ngờ về cả kịch bản, công tác dàn dựng lẫn sức bật của DV”. Đó không chỉ là băn khoăn của riêng NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát CL Hà Nội mà còn là nỗi niềm của không ít người làm nghề và khán giả.
Đề cập đến nhiều vấn đề của cuộc sống đương đại nhưng cách chuyển tải các vấn đề trên đến với người xem lại không nhiều sáng tạo. Chuyện vở diễn vừa mở màn, khán giả đã đoán được diễn biến cả phần kết không hiếm vì lối mòn cũ kỹ của kịch bản. Sự cũ mòn của kịch bản là điều từng được dự đoán từ trước ngày khai mạc, vì không ít vở diễn tham gia LHSK lần này từng được dàn dựng từ năm, bảy năm trước như: Vượt qua tâm bão, Phố an cư, Vú cát, Nói dối là trọng tội, Giậu mồng tơi gãy dập... Dàn dựng lại những kịch bản cũ vốn là tình trạng rất phổ biến của SK trong tình hình khan hiếm kịch bản hiện nay. Chỉ có điều thay vì làm mới kịch bản cũ để phù hợp với nhịp đập thời đại và nhu cầu thưởng thức của khán giả, đa phần các vở diễn được bê nguyên xi trở lại SK, để lộ cả cách khai thác tình tiết đầy khiên cưỡng, bất hợp lý theo kiểu muốn cho nhân vật sống, chết tùy hứng, bất chấp tính lô gíc của diễn biến câu chuyện, tâm lý, tính cách nhân vật.
Kịch bản thiếu sự mới lạ, ngôn ngữ dàn dựng, thiết kế SK càng cũ kỹ hơn. Có vở diễn gần giống chương trình đại nhạc hội với đủ tiết mục ca múa nhạc, tấu hài, nhảy hiphop... Những đoạn diễn khán giả chờ đợi DV thể hiện chiều sâu nội tâm lại được múa minh họa thay thế. SK tẻ nhạt với hệ thống bục bệ đơn điệu và thô cứng. Chưa kể một số chi tiết cẩu thả khó chấp nhận như: DV diễn phía trước, đằng sau nhân viên hậu đài vẫn thản nhiên bổ sung phần cảnh trí còn thiếu; tranh trang trí SK nhàu nát, xiêu vẹo; DV mặc phục trang một đằng, nội dung đi một nẻo...
Gọi là LHSK Cải lương chuyên nghiệp nhưng khán giả lại có quá ít cơ hội được nghe những bài bản CL hay, có độ khó cao, đòi hỏi DV phải dày công tập luyện. Nhiều vở diễn dễ dãi, lạm dụng các bài lý để thay thế vọng cổ. Các vở diễn đề tài hiện đại nhưng trên SK vẫn xuất hiện nhiều DV “mặt hoa, da phấn”, không theo điều kiện, hoàn cảnh sống của nhân vật. Có dễ tính đến mấy, khán giả cũng khó chấp nhận một gương mặt kép má đỏ, môi hồng, mi dài cong vút và vì thế, vai diễn trở nên xa lạ dù DV có diễn giỏi, ca hay đến đâu.
Khuyến khích đề tài hiện đại với mong muốn đưa SKCL đến gần với công chúng, với cuộc sống nhưng qua những gì đã diễn ra suốt nửa chặng đường LHSK, phải chăng SKCL đang lỗi nhịp?
Thảo Vân