Hiện nay, các đơn vị nghệ thuật cải lương đang ráo riết chuẩn bị các vở diễn tham dự hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012 tại Đồng Nai, dự kiến diễn ra vào tháng 10-2012. Đây là cơ hội để các nghệ sĩ giao lưu, thi thố tài năng. Tuy nhiên vẫn còn đó những nỗi lo…
[You must be registered and logged in to see this image.]Một cảnh trong vở Bến nước Ngũ Bồ.
Rộn rã tập luyện
Hướng tới hội diễn này, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang chuẩn bị 3 vở diễn mới. Trong đó, đoàn 1 của nhà hát dựng vở Tiếng vạc sành (tác giả Trung Dân, chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt, đạo diễn Quốc Kiệt); đoàn 2 dựng vở Cội nguồn (tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ) và đoàn Thắp Sáng Niềm Tin dựng vở Sám hối (tác giả Hoàng Song Việt, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ). Trong mùa hội diễn trước, nhà hát không ẵm được chiếc huy chương vàng nào nên kỳ này nhà hát đã đưa ra những vở mạnh và huy động lực lượng nghệ sĩ khá hùng hậu tham gia: NSƯT Thoại Miêu, nghệ sĩ Dương Thanh, Lý Thu, Lê Thanh Thảo, Điền Trung, Diễm Thanh, Hoàng Minh Vương, Lê Tứ, Võ Minh Lâm, Mỹ Hằng, Tâm Tâm, Thy Phương…
Nhà hát Thế Giới Trẻ của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TPHCM cũng đang khẩn trương luyện tập vở cải lương Bến sông chờ (tác giả Đăng Minh, đạo diễn Nguyên Đạt) với sự góp mặt của NSƯT Hữu Quốc, nghệ sĩ Lê Tứ, Hoài Thanh, Hồng Loan, Thanh Phong… Riêng CLB cải lương thử nghiệm 5B Võ Văn Tần đến thời điểm này chưa công bố tên vở diễn.
Như vậy, đến nay, sân khấu cải lương TPHCM đã chuẩn bị được 4 vở diễn mới khá rôm rả để tham dự hội diễn. Một không gian cải lương đang bừng khí thế như vậy chắc cũng làm nức lòng giới mộ điệu.
Nên đổi mới tiêu chí
Nếu như nhìn lại Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc gần đây nhất được tổ chức ở TPHCM vào cuối năm 2009, thì thấy rằng sau hội diễn, số lượng vở diễn, đơn vị thực hiện còn duy trì được hoạt động chẳng là bao. Sân khấu 179 của bầu Hoàng Anh Tú ngưng hoạt động, còn CLB cải lương thử nghiệm 5B Võ Văn Tần không có gì mới, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh với vở Bến nước Ngũ Bồ diễn được vài suất rồi im bặt. Còn các vở của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tham dự hội diễn như: Cổ tích thời hiện đại, Nước mắt thâm tình… cũng chẳng diễn được mấy suất rồi đóng băng đến nay. Có thể nói, khi tham gia hội diễn, hầu hết các đơn vị nghệ thuật đều đầu tư và tốn nhiều công sức, tiền của nhưng “hậu” hội diễn, các vở nhanh chóng đi vào quên lãng, hiếm khi được khai thác để phục vụ rộng rãi công chúng. Theo NSND Thanh Hải, để tránh sự lãng phí này, các đơn vị nghệ thuật cần tính toán đưa vở diễn tiếp cận được với công chúng ở nhiều nơi, chứ không riêng gì chỉ quanh đi quẩn lại khu vực trung tâm TPHCM. Một số nghệ sĩ đề xuất ngành văn hóa cần có những chỉ đạo và hỗ trợ một phần kinh phí để các đơn vị nghệ thuật đưa vở diễn đến với công nhân, lao động, sinh viên, học sinh… Việc làm này không chỉ tránh lãng phí, tạo cầu nối giao lưu giữa nghệ sĩ với khán giả mà còn góp phần tiếp thị, nâng cấp cải lương.
Tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM đề xuất nên chăng đưa ra một tiêu chí dành cho các vở tham gia hội diễn phải là các vở đã được tổ chức biểu diễn phục vụ công chúng khoảng 5 – 10 suất. Cách làm này sẽ phần nào tránh được việc chạy theo thành tích làm vở diễn chỉ để tham gia hội diễn rồi thôi. Đồng thời, khi các vở diễn được đưa ra công chúng, có sự thẩm định chung của nhiều người thì đến khi vai diễn của nghệ sĩ nào được trao giải thưởng hoặc vở diễn nào được chọn trao giải thì đông đảo khán giả biết rõ ai xứng đáng, ai không xứng đáng, vở diễn nào xứng tầm, vở diễn nào không… Nếu không có sự đổi mới cách làm, đổi mới tiêu chí thì chắc chắn rằng khó tránh khỏi tình trạng vở diễn không có đời sống thật mà vẫn được tham dự hội diễn thì một cách nào đó cũng rất lãng phí.
Vân An